2506 - 2013

Nhịp đời người công nhân dò bể

Có một cái nghề mà người công nhân phải nhạy bén, tinh tế và cần mẫn, lang thang qua những con hẻm nhỏ và thuộc như lòng bàn tay hệ thống đường ống cấp nước chằng chịt  trong lòng đất. Có thể gọi họ đơn giản là người công nhân dò bể hay những con người luôn cống hiến thầm lặng.

 

Nghề “khám bệnh” cho ống nước

Khi những con đường thành phố ngập trong ánh đèn cao áp và thưa bóng người, giờ làm việc của những công nhân dò bể mới bắt đầu. Thường thì họ lần lượt dò qua cả hệ thống ống nước trên địa bàn đơn vị mình quản lý và cứ thế xoay đi xoay lại hết cả tuần. Người công nhân dò bể phải thuộc lòng hệ thống đường ống chằng chịt nằm sâu dưới đất, hiểu rõ từng con hẻm, từng đoạn ống nhánh vào nhà dân. Người trong nghề gọi đùa họ là “bác sĩ của những đường ống”. Hằng đêm, khi thành phố đã yên tiếng động, người công nhân khoác máy dò bể, tì mỉ áp ống nghe vào mặt đường để nghe tiếng nước tuôn trong lòng đất. Bởi thế, những “chuyên gia âm thanh” này phải nhạy cảm với tiếng động và thuộc lòng từng điểm bể đã dò. Kinh nghiệm công việc là điều quan trọng giúp họ dễ dàng tìm kiếm những điểm rò rỉ, không để nước tuôn vô ích.

Anh công nhân Phuwaco trong một ca dò bể đêm

Ông Lê Văn Hóa cho biết công tác dò bể đã giúp anh có ý thức tiết kiệm nước trong gia đình. Mỗi lần thấy vòi nước của gia đình rò rỉ là anh lại tìm mọi cách sửa cho được. Nghĩ đến công việc của mình có thể giúp mọi người tiết kiệm nguồn nước sạch anh càng nỗ lực hơn. Nghề của một công nhân dò bể cũng không ít gian nan. Ngoài chuyện giờ giấc làm việc không giống ai họ còn phải đối mặt với biết bao nguy hiểm giữa đêm khuya. Thường thì công việc chỉ bắt đầu lúc 22g đêm, khi những con đường đã bớt tiếng động. Có khi đang sắp bắt được tín hiệu điểm bể, một chiếc xe máy vụt qua khiến người công nhân phải dò lại từ đầu. Nhóm dò bể của CTCP Cấp nước Phú Hòa Tân có 10 người, thường xuyên dò bể trên các con đường thuộc Quận 11, Quận 10 và phường Phú Trung Quận Tân Phú. Các anh kể nhiều khi đang loay hoay kiểm tra tín hiệu thì dân phòng đến “hỏi thăm” vì nghi ngờ là thành phần bất hảo. May mà họ đều mặc đồng phục và mang theo giấy tờ cần thiết để chứng minh công việc. Đâu chỉ có vậy, người công nhân dò bể còn thấp thỏm lo gặp phải người say rượu, trộm cướp hay thành phần xấu giữa đêm. Ấy vậy mà họ vẫn cần mẫn với công việc mỗi ngày trên những cung đường quen thuộc.

Kiểm tra hoạ đồ khu vực để dò tìm điểm rò rỉ

Ít ai thấu hiểu những cống hiến thầm lặng mà cao quý của người công nhân dò bể. Bởi khi họ âm thầm lắng nghe tiếng nước trong lòng đất, mọi người hoặc đã say ngủ, hoặc đã trở về nơi chốn của mình. Với người công nhân dò bể, một đêm vô tình bắt gặp nụ cười động viên hay một cử chỉ ân cần của người dân, họ như được tiếp thêm sức mạnh.

Có một thành phố khác

Thành phố với công nhân dò bể hẳn sẽ tĩnh lặng và yên bình lắm. Có thâm niên trong nghề hơn 6 năm, công nhân Ngô Văn Gất cho biết anh đã thuộc từng ngóc ngách con đường và yêu thành phố này từ lúc nào không hay. Với anh, những con đường không xô bồ, tấp nập như người ta vẫn thường nói. Thành phố quen thuộc của anh là những chú mèo hoang đi lại yên lặng trong đêm, những khung cửa khép kín, những mảnh đời bơ vơ, co ro vì gió.... Nhờ công việc của một công nhân dò bể, anh khám phá ra những cái đẹp khác hơn trên con phố tĩnh lặng, ánh đèn đường mờ mờ soi nụ cười của những đồng nghiệp khi phát hiện đúng một điểm bể.

Thực hiện đóng van điều áp để phục vụ công tác dò tìm rò rỉ

Công việc cực nhọc và nguy hiểm rất dễ khiến người ta nản lòng. Nhiều người cũng có ý định chuyển bộ phận khác để không phải ra đường vào ban đêm như thế. Nhưng khi cái nghiệp đã vận vào mình, tình yêu nghề khiến họ quên đi mệt nhọc. Một công nhân dò bể cho biết anh cũng từng có ý định chuyển nghề nhưng cứ nghĩ mỗi khi mình phát hiện đúng một đểm bể, Công ty sẽ tiết kiệm được biết bao chi phí. Nhiều vùng ở Việt Nam người dân còn không có điều kiện dùng nước sạch. Để nước phun phí thì cắn rứt lương tâm quá. Vậy rồi anh lại khoác máy dò bể, cùng đồng nghiệp lang thang mọi ngõ hẻm của thành phố, đánh dấu những điểm bể.

Niềm tự hào về công việc có ích là động lực để những công nhân dò bể miệt mài mỗi đêm. Với họ, mỗi điểm bể được phát hiện sớm là một niêm vui tĩnh lặng mà nhiều ý nghĩa. Để rồi hằng đêm, trên những con hẻm vắng, người công nhân dò bể vẫn âm thầm lắng nghe nhịp đập của một thành phố say ngủ, âm thầm mang cả tấm lòng đi tìm lại từng m3 nước sạch.

Nguyễn Văn Đắng