Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, từ ngày 14 đến 18 tháng 3 năm 2025, Toàn thể Đảng viên đảnh bộ Công ty CP Cấp Nước Phú Hòa Tân đã có chuyến đi học tập lịch sử tại Tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Cùng tham gia với Đảng bộ có Đồng Chí Dương Hồng Nhân - bí thư Đảng ủy, Đồng chí Nguyễn Văn Đắng – Đảng ủy viên Đảng ủy Tổng Công ty Cấp Nước Sài Gòn.
Đến với Quảng Bình, với lòng thành kính và biết ơn, đoàn đã dâng hoa tại mộ phần Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa.

Tại thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch, Các Đảng viên được tận mắt chứng kiến và di chuyển vào địa đạo Vịnh Mốc là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với khẩu hiệu “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực” quân dân nơi đây đã tiến hành đào hầm hào, với nhiều công năng: Dọc hai bên đường hầm, có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Trong hầm còn có hội trường (sức chứa từ 50 - 60 người), làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ... và một số công trình khác như: bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm). Địa đạo Vịnh Mốc là chứng tích lịch sử về sức mạnh, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường bám đất giữ làng, sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân, biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dân tộc ta.

Đoàn cũng đã đến một di tích lịch sử Di tích lịch sử đặc biệt đó là cầu Hiền Lương - sông Bến Hải. Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng) và huyện Gio Linh (xã Trung Hải), tỉnh Quảng Trị. là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - Ngụy. Tại đây Đoàn đã chụp hình lưu niệm với bản đồ Việt Nam là minh chứng cho sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ là điiều thiêng liêng của dân tộc.

Tạm biệt dòng sông Bến Hải, các Đảng viên về với nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn- Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi quy tụ 10.263 phần mộ của các liệt sĩ. Nghĩa trang tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Khu đồi Bến Tắt với vị trí là tuyến đầu của chiến trường miền Nam, cũng là điểm khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn thuộc miền Nam Việt Nam. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn,tại đây các Đảng viên đã thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ những nén hương tưởng nhớ sụ hy sinh cao cả của các liệt sĩ cho nền độc lập của nước nhà.

Về Quảng Trị, đoàn tiếp tục học tập tại thành cổ Quảng Trị, được nghe thuyết minh về Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28-6-1972 - 16-9-1972) là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Với mục tiêu trước ngày 10-7-1972 cắm cờ lên Thành cổ để phục vụ ý đồ ép ta ở Hội nghị Pari, dự định họp lại vào ngày 13-7-1972 sau nhiều lần trì hoãn, địch điên cuồng đánh phá. Đây là cuộc hành binh đẫm máu, cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại, từ bom phá, bom napan, bom lân tinh, bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng lade đến các loại pháo chơm, pháo khoan, chất độc hoá học và hơi ngạt… chúng ta đã kiên cường bám trụ, nhiều trận phản kích đẫm máu của bộ đội ta diễn ra dưới chân Thành cổ. Ngay từ những ngày đầu chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị, có thời điểm “các chiến sĩ Trung đoàn 48 đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm “1 chọi 100” Tuy nhiên, do hỏa lực của địch quá mạnh, phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Các chiến sĩ của ta vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã nên sức khoẻ giảm sút, thương vong rất lớn. Trước tình thế đó, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn vào 18 giờ, ngày 16-9-1972.

Cũng trong đợt học tập này, các Đảng viên đã viếng thăm tượng đài Mẹ Suốt bên bờ Sông Nhật Lệ- Quảng Bình và tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng tại Núi Cấm (TP.Tam Kỳ) Quảng Nam.

Chính phủ đã phê duyệt chọn hình tượng Mẹ Thứ là nguyên mẫu để xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Mẹ Thứ là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: 9 người con trai, 1 người con rể và 2 người cháu ngoại. Đây còn là nơi trưng bày gần 300 hiện vật trong số gần 1.000 hiện vật đã được sưu tầm từ các Mẹ Việt nam anh hùng tiêu biểu đại diện cho hơn 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước. Đây không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo mà còn là biểu tượng thiêng liêng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những người mẹ đã cống hiến cả cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đến với Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, mỗi bước chân chúng Tôi như lắng lại trong sự tri ân và xúc động, nhắc nhở về những hy sinh thầm lặng của người mẹ Việt Nam trong suốt những năm tháng gian khó.
Chỉ với thời gian 5 ngày học tập thực tế ngắn ngủi tại Quảng Bình, Quảng Trị nhưng các Đảng viên của Đảng bộ Cấp Nước Phú Hòa Tân đã cảm nhận được những đau thương, mất mát, những gian khổ mà tự hào của các thế hệ đi trước đã phải chịu đựng, hy sinh để có một đất nước Việt Nam thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như hôm nay. Để xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của cha anh, các thế hệ đi trước, toàn thể Đảng viên của Đảng bộ Công ty CP Cấp Nước Phú Hòa Tân nguyện giữ gìn đạo đức Cách mạng, phấn đấu hết mình trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng Đảng bộ ngày vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
LÊ THỊ THANH TÂM